Đăng bởi: cuongdevn | 01.08.2012

Gian nhà trống của cha

Nhà ở quê, gian bếp thường gắn với mẹ. Gian nhà trống mái lợp bằng tranh, vách dựng phên thưa, nằm sát vách ngăn chuồng bò, là nơi để vật dụng nhà nông của cha.

Với tôi lúc nhỏ, gian nhà trống là nơi chứa đầy bí ẩn. Mỗi lần khóc nhè, mẹ thường kêu: “Con mèo nhà trống đâu, ra cắn đầu thằng Tý. Nó không ngoan đây!”. Lập tức, nhà trống vọng tiếng: “ngao. . . ! ngao. . .!” Tý tôi im thin thít, chui tọt vào lòng mẹ, cuộn tròn, co ro. Có lần tôi nhèo nhẹo đòi kẹo rồi nằm vạ, không ai dỗ được, cha vào nhà trống, rút xoẹt cây roi cày. Nghe tiếng roi khua, tôi bật dậy, ôm chặt mẹ, miệng mồm ráo hoảnh: “Dạ, con không dám nữa! Mẹ xin cha tha cho con!” . . .

Lớn thêm chút nữa, gian nhà trống là nơi ẩn mình kín đáo trong trò trốn tìm của chị em tôi. Lần đầu vào gian trống, tôi thấy lạ lẫm. Sát vách trong cùng, có ba ông che mía ngồi chễm chệ cạnh ba bà chảo đường như cùng trông nhà. Dọc hai phên vách là hai hàng chum sành đội mũ ngù rơm như hai hàng quân canh gác. Trần nhà lại có mấy bà đó đơm cá đen thui, mắt mũi lèm nhèm mạng nhện và đôi ông nơm treo lủng lẳng bồ hóng như chực sà xuống chụp ngay kẻ lục lạo, tò mò. Trên vách ngăn còn có thêm cái áo tơi lá xù xì như con sâu bao đáng sợ. Cày, bừa, cuốc, xẻng… cũng nằm nơi nhà trống.

Một lần trốn chị, ngồi trong cái chum không nắp, tôi phát hiện gian nhà trống của cha là cả một kho báu. Gian trống thoang thoảng một mùi thơm, có lúc xông lên ngây ngất. Tôi nhổm dậy, nâng nắp chum bên cạnh: “Chao ôi, đường! đường mía!”. Đường đã rút ui, kết tinh thành hạt lóng lánh, vàng ươm. “Ôi! đã quá!”. Tôi trầm trồ, đưa tay cạy một tảng, cho vào miệng ngậm. Vị ngọt thơm của đường thanh khiết lịm ngấm khắp miệng, môi, da thịt. Tôi cạy thêm tảng thứ hai, thứ ba…. Gian nhà trống trở nên thân quen với tôi từ đó.

Ngày mùa, liếp cửa nhà trống thường mở toang. Cha vác cày bừa, khiêng che, đội chảo, gánh gồng vào – ra liên tục. Đường mía theo cha về đầy gian trống, lúa theo tay cày về chật mái hiên. Những ngày mưa dầm, nơm, đó, áo tơi cũng theo chân cha băng đồng lội nước. Cá ốc, tôm cua nườm nượp theo về. Mùi cua nướng, cá kho thơm lừng gian bếp. Nhà rộn tiếng cười, ấm sáng trời đông. Chị em tôi lớn khôn từ gian nhà trống, có đôi vai cha gánh núi gánh đồng để gian bếp mẹ sớm chiều tỏa khói, nồi cơm thơm cá ruộng, rau vườn.

Mẹ qua đời. Cha thay mẹ trông coi gian bếp. Gian trống của cha cửa đóng then cài. Chị em tôi bận công tác xa nên ít khi về nhà thăm gian trống. Hè này, về quê được mấy hôm, tôi có dịp vào gian nhà trống. Đồ đạc bên trong nay thêm nhiều hơn nhưng sao trống trải vô cùng. Hàng chum không còn đậy nắp. Chiếc cối xay lúa một thời tay mẹ quần xoay, giờ khoanh mình yên giấc. Vách ngăn bây giờ có thêm nong nia, dừng sàn, thúng mủng từ gian bếp mẹ năm xưa. Lòng tôi chạnh buồn, thương cha trống vắng. Nhớ mẹ nghẹn ngào, tôi bật thốt: “Mẹ ơi!”…

BÙI TẤN PHƯỚC

Đăng bởi: cuongdevn | 27.07.2012

Nàng dâu Ý rất… Việt

“Mẹ, thôi mà, mẹ đừng lo nữa! Con chỉ cảm sơ thôi, mẹ yên tâm nhé”. Chị quay lại nhìn tôi với một gương mặt rạng rỡ và kiêu hãnh: “Mẹ chị cứ lo cho chị trong này”. “Mẹ chị”, người mẹ 93 tuổi đang sống ở Bình Định, là người đã sinh ra “một nửa của cuộc đời chị”, mẹ của anh Trương Văn Dân.

Chị Elena và mẹ chồng.
Năm Elena 16 tuổi, anh Dân là một du học sinh ngấp nghé đôi mươi. Chị không nghĩ rằng, sức mạnh của tình yêu đầu đời lại có thể mãnh liệt đến thế. Tình yêu đã đi theo suốt cuộc đời chị, cuộc đời anh, gia đình, bạn bè và quê hương anh nữa. Chị từng biết đến Việt Nam qua những thước phim tài liệu, một đất nước chiến tranh, khó khăn chồng chất khó khăn. Chính cái chất Bình Định văn chương, lãng mạn và chu toàn của anh đã lôi cuốn chị. Rồi chị gặp những người bạn của anh, đọc những bài báo, trang sách, chị hiểu về đất nước và con người Việt Nam hơn. Vượt qua bao nhiêu trở ngại, bao nhiêu băn khoăn trăn trở, chị đã quyết định chọn cuộc sống ở quê hương anh. Đã từng về Việt Nam nhưng là về làm khách, nay về Việt Nam là về nhà mình, dù đã chuẩn bị, đã cùng nhau sắp xếp mọi thứ nhưng chị vẫn bồn chồn, vẫn phải cố gắng thích nghi, vẫn có lúc chơi vơi giữa dòng người vừa quen vừa lạ. Chị là một trong số những người phụ nữ Ý ít ỏi đang sống trên đất Việt.
Chị nhớ một kỷ niệm trong chuyến về Việt Nam đầu tiên năm 1985. Anh chị dừng chân ở Nha Trang và ghé vào một ngôi nhà nhỏ bên đường xin nước uống. Hồi đó chưa có hàng quán như bây giờ. Một bà lão đã dắt chị ra sân và chỉ vào giếng nước. Dòng nước mát lạnh, ánh mắt ấm áp của bà đã làm cho chị cảm giác được đón tiếp thân thiện, gần gũi. Chị tìm thấy hình ảnh mẹ mình trong cử chỉ thân thương của người phụ nữ không quen trên một miền đất lạ. Trái tim chị ấm hơn khi nghĩ về quê chồng.
Hình ảnh người mẹ chồng càng làm chị xúc động. Mẹ lúc nào cũng lo cho chị, dù mẹ già yếu theo năm tháng. Năm 1990 mẹ chồng sang Ý và lưu lại 6 tháng. Với chị, đó là những ngày tháng không thể nào quên. Chị ví đó là nốt nhạc hay nhất trong bài ca tình mẹ. Đó cũng là sợi dây bền và đẹp nhất, gắn kết hai người phụ nữ có cùng một tình yêu với “chàng trai Dân”. Mẹ chị chỉ biết mỗi “tiếng Bình Định” và chưa bao giờ sử dụng đồ điện, nói gì đến các tiện nghi khác trong nhà. Cô dâu Ý đã hướng dẫn cho mẹ chồng từng ly từng tý. Riêng bình nước nóng lạnh, chị không yên tâm “giao phó”, nên chị trở thành người tắm cho mẹ hằng ngày. Chắc con gái của mẹ cũng chưa bao giờ làm việc đó cho mẹ. Chị rớm rớm nước mắt khi nhớ về ngày đó: “Mẹ săn chắc, khỏe mạnh chứ không phải mỏng manh và gầy khô như bây giờ. Thời gian không trở lại nhưng mang phù sa bồi đắp thêm cho tình cảm mẹ con chị.
Chị xem mẹ chồng là người mẹ ruột thứ hai. Điều đó được chị thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc. Ở nước Ý, chị là người Thiên chúa giáo, khi về Việt Nam, theo mẹ đi chùa nhiều nên chị trở thành Phật tử. Có lẽ tình yêu của mẹ chồng đã làm cho chị cảm thấy đó là điều không thể thiếu trong cuộc đời này. Chị luôn thấy trong tình yêu thương của chồng có cả trái tim nồng ấm của mẹ. Ngày lễ Vu Lan chị là người duy nhất cài hai bông hồng trên ngực áo. Bông trắng cho mẹ mình và bông hồng đỏ cho mẹ chồng. Chị luôn tự hào vì có mẹ, có anh.
Mẹ biết chị sẽ buồn khi phải xa quê hương, xa người thân thương, xa gia đình, bè bạn. Mẹ đã giúp chị luôn cảm thấy có người thân bên cạnh, kể cả những người đã đi xa. Chị biết ơn mẹ đã rước vong linh của mẹ ruột mình gửi lên Chùa, nên lúc nào chị cũng cảm thấy ấm áp và không đơn độc. Chị thích  tính quyết đoán “đã nói là làm” của mẹ. Chị luôn thấy mẹ vẫn rất minh mẫn, vẫn tỉnh táo và mạnh mẽ.
Chị Elena và những người thân yêu.
Chị Elena và ông xã chung sống bên nhau đã gần 40 năm. Cách đây 3 năm, họ quyết định chọn một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh đạm,“trữ tình” trong một căn hộ nhỏ ở Sài Gòn. Chị đi dạy tiếng Ý ở Trường Đại Học Khoa học xã hội và nhân văn, Nhạc Viện Thành Phố. Chị tha thiết muốn đưa đến cho người Việt Nam những điều tốt đẹp, lãng mạn của nước Ý. Chị muốn đưa về quê mình những cái hay cái đẹp của văn hóa Việt Nam. Chị viết nhiều truyện ngắn nhẹ nhàng, tinh tế và gửi lòng mình vào đó. Anh là một dịch giả thấu hiểu và rất “trung thành” của chị.
Cầm trong tay cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của anh Dân, nghiêng nhẹ mái tóc vàng, chị bảo anh: “Em là người may mắn”. Ánh mắt anh lấp lánh, nụ cười tràn đầy yêu thương: “Anh mới thật sự là người may mắn!”. Chị cầm bàn tay anh lắc nhẹ: “Không, em may mắn hơn vì em có anh, và em được mẹ yêu thương hơn anh”. Chị là Elena Pucillo Truong, một nàng dâu Ý rất Việt.
Võ Thị Minh Huệ

 

– Ngày 16-7, tại TP. Quy Nhơn, Hội gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức 2 Hội nghị vật lý quốc tế với chủ đề “Hạt cơ bản sau Mô hình Chuẩn và Va chạm Ion nặng trong kỷ nguyên LHC” thu hút sự tham gia của 120 giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành Vật lý hạt và Vật lý thiên văn ở 23 quốc gia và vũng lãnh thổ trên toàn thế giới.

GS Greg Landsberg – Trường ĐH BROWN – Hoa Kỳ giới thiệu về kết quả nghiên cứu.
Đây là một hội nghị nằm trong chuỗi các cuộc gặp gỡ quốc tế được tổ chức trong nhiều năm qua ở Việt Nam, trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam”  do GS Trần Thanh Vân hợp tác với GS Nguyễn Văn Hiệu sáng lập từ năm 1993, nhằm thúc đẩy sự phát triển các công trình nghiên cứu ở trình độ cao tại Việt Nam và rộng hơn là cả vùng Đông Nam Á; đồng thời qua đó tạo lập các nhóm nghiên cứu hợp tác với cộng đồng khoa học phương Tây.
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam, chủ trì hội nghị cho biết:  Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 8 này là hội nghị đầu tiên ở Châu Á và là hội nghị thứ 2 trên toàn cầu được lãnh đạo Tổ chức nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN) ở Geneva (Thụy Sĩ)  trình bày chi tiết những khám phá mới nhất đã và đang làm rung chuyển thế giới khoa học xung quanh việc phát hiện ra hạt Boson Higgs – đối tượng của một cuộc săn lùng của các nhà khoa học kéo dài gần 5 thập kỷ qua và mới kết thúc vào sáng thứ tư 4-7-2012.
Các đại biểu dự Hội nghị.
Hội nghị lần này cũng là dịp để các nhà vật lý trên thế giới công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất và cùng trao đổi các các ý tưởng mới nhất trong lĩnh vực Vật lý hạt và Vật lý thiên văn nhằm chỉ ra những phương hướng mới có thể theo đuổi trong vật lý năng lượng cao, như là hệ quả trực tiếp của những bước tiến mới có tính chất bước ngoặt trong vật lý thực nghiệm và lý thuyết. Nội dung 2 hội nghị vật lý quốc tế lần này gồm các lĩnh vực chuyên sâu như: Vật lý boson Higgs, Vật lý quark dỉnh; Neutrino; Siêu đối xứng; Sắc động lực học lượng tử; Vật chất tối; Chiều dư không – thời gian….
Hội nghị vật lý quốc tại Quy Nhơn lần này kéo dài đến ngày 21-7-2012.
Tin, ảnh: Xuân Nguyên

 

Đăng bởi: cuongdevn | 17.07.2012

7 tật xấu của đàn ông khiến phái đẹp ghét

Khoe khoang tự phụ, thiếu tham vọng, không có óc hài hước, hay dùng tay gãi những bộ phận nhạy cảm… là những tật xấu của đàn ông mà phụ nữ ghét nhất, theo khảo sát trên trang Divaasia.

Cụ thể, khảo sát ghi nhận 7 đặc điểm của đàn ông mà phụ nữ ghét nhất như sau:

1. Khoe khoang tự phụ:

Khi tán tỉnh phụ nữ, một số chàng trai luôn cố gắng tâng bốc bản thân nhằm tạo ấn tượng với nàng. Trong những buổi hẹn hò, chàng cứ thao thao bất tuyệt khoe khoang về công việc tuyệt vời mình đang làm, khoản tiền thu nhập kếch xù hàng tháng, nhà cao cửa rộng, xe hơi đắt tiền, bản thân được mọi người hết mực yêu thương nể phục…

Mặc dù chưa biết những thứ mà chàng trai nói có thật hay không, nhưng một người phụ nữ đàng hoàng thường không ấn tượng mà cảm thấy nhàm chán với kiểu nói chuyện “khua môi múa mép” như thế.

Phụ nữ không thích những anh chàng. Ảnh:
Phụ nữ thường không ấn tượng với những anh chàng khoe khoang quá nhiều về bản thân. Ảnh: wp.

Vì thế các nhà tâm lý khuyên cánh mày râu để tạo ấn tượng tốt với nàng, tốt nhất trong buổi hẹn nên dành nhiều thời gian cho bạn gái bộc bạch về bản thân họ, bằng cách đặt những câu hỏi nhã nhặn thay vì cứ khoe khoang chuyện của mình.

2. Thiếu những nét tính cách cổ điển, lãng mạn:

Các nàng không đòi hỏi người đàn ông của mình phải hành động y chang những quý ông lịch lãm trong các bộ phim kinh điển của Charles Dicken. Song ít nhất các nàng cũng muốn người yêu của mình trang nhã, lịch sự, lãng mạn, ga lăng và biết tôn trọng người khác.

Mặt khác phụ nữ không thích bạn trai trong lúc hẹn hò thì đối xử với họ như một bà hoàng nhưng sau đó lại quay ngoắt để mặc các cô tự đi lấy xe một mình trong con hẻm tối. Các cuộc thăm dò ý kiến phụ nữ cho thấy chỉ cần những cử chỉ quan tâm nho nhỏ, chàng trai mang đến cho người con gái cảm giác an toàn, tin tưởng và dễ dàng chinh phục được trái tim của nàng.

3. Không có óc hài hước:

Khi được hỏi về đặc điểm nào ở đàn ông hấp dẫn nhất, đa phần phụ nữ đều trả lời đó là óc hài hước. Lối nói chuyện cởi mở, hài hước là một thế mạnh trong cuộc hội thoại, giúp xua tan khoảng thời gian trống trải, lúng túng, nhờ thế mà buổi hẹn hò không trở nên căng thẳng hay nhàm chán. Trên thực tế phụ nữ thường chết mê chết mệt đàn ông có khiếu hài hước và đủ thông minh để làm cho các cô cười ngắt nghẻo.

4. Hay dùng tay gãi những bộ phận nhạy cảm:

Phái đẹp thường có ác cảm khi nhìn thấy con trai dùng tay gãi “chỗ ấy”, nó gợi lên cảm giác mất vệ sinh. Vì thế trong những trường hợp bị ngứa ở những bộ phận nhạy cảm, các quý ông được khuyên nên vào toilet để giải quyết, sau đó rửa sạch tay để giữ vệ sinh.

5. Thiếu tham vọng:

Hầu hết phái đẹp đều bị hấp dẫn bởi người đàn ông biết xác định mục tiêu cuộc đời, song các cô lại ghét người không có đủ tham vọng để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Các nàng cho biết, họ tôn trọng đàn ông kể cho họ nghe về những dự tính, mục tiêu và ý tưởng làm sao để đạt được mọi thứ theo kế hoạch. Tuy nhiên nếu anh chàng này không chăm chỉ làm việc mà suốt ngày ăn chơi rồi nằm dài xem tivi chẳng có gì hấp dẫn.

6. Bê bối:

Nàng sẽ thất vọng khi đến phòng của bạn trai chơi mà nhìn thấy mớ quần áo và đồ đạc vương vãi trên sàn nhà, còn trong bồn tắm dính đầy tóc và râu. Vì thế nếu muốn trở nên hấp dẫn trong mắt phụ nữ, chuyên gia tâm lý khuyên cánh mày râu nên chú ý hơn trong việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và đừng để căn phòng của mình trở thành “chuồng lợn” với đủ thứ đồ đạc vương vãi.

7. Suốt ngày đeo bám:

Phụ nữ thích được người yêu chăm sóc, bảo vệ, song điều này không có nghĩa là lúc nào cũng đeo bám như “đỉa”. Các cô gái thường phàn nàn rằng sự “bảo vệ” thái quá của bạn trai khiến họ cảm thấy bất an, phiền hà và mất tự do.

Thi Trâ

 

Đăng bởi: cuongdevn | 13.07.2012

Bình Định – một khoảng trời thiêng

 GS.TS Nguyễn Thuyết Phong

(Viện trưởng Viện CERA – Việt Nam)

Không biết tự bao giờ Bình Định – Tây Sơn đã trở thành một dấu ấn trong tâm trí tôi. Nhưng có lẽ từ rất lâu, tưởng chừng như hơn 50 năm trước khi tôi nghe đến võ Tây Sơn hay hát bội Bình Định mà trong lòng mình đã thấy kính phục.

Mỗi khi đi theo đoàn hát bội Mai Hoa tham gia ban nhạc hỗ trợ những buổi diễn tuồng Sơn Hậu, được nghe nhắc đến hậu tổ Đào Tấn, gốc gác Bình Định của của nghề này khiến một đứa trẻ non dại như tôi chỉ biết say mê như điếu đổ, dù chưa biết Bình Định là nơi đâu. Nhưng sao nghề hát xướng lại thâm thúy đến thế! Nó làm “mủi” lòng nhiều người và chinh phục hàng triệu trái tim! Địa danh Bình Định đã đi vào hồn tôi từ thủa xa xôi ấy!

 
Tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung.(ảnh TL)

Rồi tôi đã được vinh hạnh có mặt nơi đây, vùng đất mà tôi cảm nhận được nét tôn quý để lắng nghe, ôn lại câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh- một danh nhân văn hóa thế giới đã từng sống ở đây cả năm trời trước khi vào Nam và rời bến Nhà rồng tìm đường cứu nước, tôi càng cảm thấy trái tim mình xích lại gần với thực tế của lịch sử hơn.

Nhân đọc quyển “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” tôi được dịp tiếp cận cụ thể hơn qua tài liệu lịch sử vô cùng quý báu về danh nhân thế giới Hồ Chí Minh cũng như toàn cảnh về Bình Định ở thế kỷ 20. Những chứng tích hết sức sinh động của một thời, của một đời người cao quý như Bác Hồ và mối tương quan với Bình Định. Nhưng từ đó, tôi có cảm giác như mình đang đứng trước một bối cảnh lịch sử của đất nước cực kỳ hùng vĩ và sống động. Những thành tích của con người và sức sống hiện rõ ở một vùng trời đầy ý nghĩa. Thật đáng quý để chúng ta quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu cho đến tận cùng vùng đất Bình Định nổi tiếng nhưng tôi chỉ  xin mạn đàm về cái nhìn của mình từ góc độ Nhân học văn hóa (Cultural Anthropology) căn cứ vào những yếu tố khách quan của vấn đề.

Văn hóa kiến tạo

Từ một cái nhìn toàn cảnh đất nước Việt Nam, đất Bình định là đất kiến tạo địa  linh nhân kiệt. Không như một số các tỉnh khác, Bình Định có một địa thể đầy đủ các môi trường sinh thái: Biển, núi, đồi, sông ngòi, đầm phá, đồng bằng và hải đảo. Nếu sinh thái được xem là tác dụng trực tiếp với cuộc sống vật thể lẫn tinh thần của con người, thì người Bình Định có khả năng trông xa ra biển, ngẩng nhìn lên núi và cười với đồng lúa xanh bạt ngàn. Từ thời đại Văn hóa Sa Huỳnh đến ngày nay, vùng đất Bình Định đứng vững với chuỗi thời gian dài vô tận mà xuyên qua đó nhiều nền văn hóa tích tụ, chồng lên nhau thành những giai tầng chất ngất, càng lúc càng vững mạnh hơn. Đến nay Bình Định trở thành đỉnh cao nhất của “Kim tự tháp” văn hóa  được kiến tạo với vô số những đóng góp của không biết bao nhiêu thế hệ Việt – Chăm.

Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Lâm Châu, Đồ Bàn, Thị Nại, Hoài Nhơn, An Lão, Phủ Quy Nhơn, Quy Ninh, dinh Bình Định, trấn Bình Định, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Phú…, tỉnh Nghĩa Bình và sau cùng trở lại tên gọi chính thức là tỉnh Bình Định. Nhìn vào bản đồ tiến trình lịch sử xây dựng mảnh đất này, chúng ta không khỏi choáng váng về những thay đổi địa danh như trên. Một vùng đất “cửa ngõ”, đồng thời cũng là bàn đạp chiến lược đi về phương Nam. Phương ngữ, dấu giọng địa phương từ các nơi phía Bắc (Huế – Quảng) đổ về đây, dần dần giảm thiểu sự chấn động, gay gắt, hoặc khệnh khạng trong âm hưởng khó nghe, bỗng trở nên dịu lại qua sự chung sống, trà trộn, hòa quyện của không biết bao nhiêu người.

 
Biểu diễn võ thuật tại Lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.(ảnh TL)

Hiện tượng nay tên cũ đổi thành tên mới này cũng có nghĩa tạo môi trường tiếp nhận một cách năng động những yếu tố đa phương về các mặt xã hội, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, phương ngữ và ngôn ngữ, tộc người… Chăm, Bahnar, Hrê, cũng như các dân tộc khác hiện diện ở đây tạo thêm sự trao đổi văn hóa và màu sắc hóa vùng đất này thêm lóng lánh. Vì thế, không ngạc nhiên khi xem hát bội chúng ta thấy các nhân vật thuộc tộc ít người đi thẳng vào tuồng tích, điều ít khi thấy trong loại kịch nghệ truyền thống khác. Gia tài văn nghệ dân gian hẳn nhiên thể hiện tư duy, ứng xử, nếp sống của con người khai phá qua các loại bài chòi, vè, hát đố, hát đối, hát huê tình… Nổi bật hơn hết là vè chàng Lía với 1.438 câu, một số lượng cực kỳ to lớn ấy đã thực sự vượt quá những trường ca Heike Monogatari (Nhật Bản), tổng lượng thơ ca về người nữ anh hùng dân tộc Jeanne d’ Arc (Pháp), hay những ballads (dân ca truyện kể) của Hy Lạp hoặc Bắc Âu. Những khía cạnh nhân văn này không thể bỏ qua nếu chúng ta muốn đi sâu trong nghiên cứu về “Người Bình Định”.

Mảnh đất học thuật, danh nhân kiệt xuất

Trong văn hóa kiến tạo (innovative culture), con người không ngừng suy nghĩ và phát triển kiến thức. Chính mảnh đất Quy Nhơn – Tây Sơn, hay nói đúng hơn là cả vùng mang tên Bình Định đã cống hiến cho đất nước ta thời cận sử một niềm vinh quang và hãnh diện về nhiều mặt.

Càng hãnh diện hơn nữa là danh nhân kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam có một không hai: Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ – người anh hùng áo vải Tây Sơn vùng lên cùng thời và có thể so sánh như một Napoleon Bonaparte (1769 – 1821) hay các Daishôgun (Đại tướng quân) Tokugawa thống lĩnh nước Nhật xưa kia.

Về mặt giáo dục, học thuật và hành chính, chúng ta không khỏi khâm phục những nhân tài sinh ra, trưởng thành, hoặc đến cư trú nơi vùng đất thiêng này. Bắt nguồn từ giáo dục truyền thống với trường Thi Hương Bình Định cho đến giáo dục (giáo dục Pháp – Việt) nổi tiếng như Alliance Franscaise hay Ecole Franco – Annamite. Một Đào Tấn làm rạng danh nền học thuật, quan trị và nghệ thuật Việt Nam. Một ông quan cấp cao đồng thời cũng là nhà giáo, nhà thơ, nhà viết kịch có một quá trình bản thân hiếm có trong lịch sử, một con người mà ngay cả Bác Hồ cũng ngưỡng mộ, kính yêu. Nơi đây cũng đã sinh ra những nhân tài xuất chúng, nổi tiếng trong cả nước như Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân, đến án sát Nguyễn Văn Đàm. Cũng không quên nhắc đến những bậc anh hùng, những nhà yêu nước bất tử như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, cùng các danh sĩ lừng danh như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quách Tấn… cho đến nhà nghiên cứu lão thành Mịch Quang và các GS, TS…  mà nghiên cứu khoa học hiện nay vẫn còn đang quyết tình phát hiện thêm.

Chúng ta cũng không quên sức hút mãnh  liệt của Bình Định (từ những yếu tố khách quan cũng như chủ quan) khiến nhiều người đã đến đây sống và hoạt động. Chúng ta đọc lại lịch sử Bình Định và hiểu rằng ông giáo Phạm Ngọc Thọ (con cụ Phạm Ngọc Quát) quê ở Hạnh Thông Tây (Gia Định, nay là Gò Vấp) và đặc biệt hơn nữa là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy từ đất Nghệ An xa xôi cũng được bổ nhiệm đến làm tri huyện trên đất Bình Khê – quê hương của những anh hùng áo vải Tây Sơn.

Từ câu chuyện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy dẫn đến việc người con yêu quý của cụ là Bác Hồ đến đây, nơi vùng đất huyền thoại, kỳ bí này, khiến tất cả chúng ta chung sức phát hiện  những khía cạnh mới qua một cái nhìn khách quan. Nếu “nghiên cứu là con đường đi không bao giờ đến” giả thuyết được đặt ra và cần xác minh ở đây: Phải chăng đất Bình Định là một khoảng trời thiêng liêng do tổ tiên kiến tạo và tích tụ những nhân tài kiệt xuất cho đất nước Việt Nam.

  • GS.TS: NTP
Đăng bởi: cuongdevn | 13.07.2012

Tin Vui

Chúng tôi vừa nhận được hồng thiếp báo tin bạn Cao Hữu Hùng ,cựu học sinh Cường Để niên khóa 68/75 sẽ tổ chức lễ thành hôn cho trưởng nam

.

      Cao Hữu Thái  kết hôn cùng Nguyễn Thị Thùy Linh

.

Hôn lễ sẽ cử hành tại tư gia : 84/20 Trần Hưng Đạo Phan Thiết vào lúc 9giờ00 ngày  14  tháng 7 năm 2012

Tiệc chung vui sẽ được tổ chức tại khách sạn Bình Minh

Vào lúc 11 ngày 14 tháng 7 năm 2012
 .

Cuongdequynhon   xin chia vui với gia đình bạn  Cao Hữu Hùng cầu chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc.

Đăng bởi: cuongdevn | 03.07.2012

Thầy Nguyễn Mộng Giác qua đời

Chúng tôi vừa nhận được tin:

Thầy Nguyễn Mộng Giác

Sinh năm 1940 tại Bình Định

– Tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Huế năm 1963, khóa Nguyễn Du

– Dạy học tại trường Đồng Khánh Huế (1963-1965), trường Cường Để Qui Nhơn (1965-1973)

– Cựu Hiệu trưởng trường Trung học Cường Để Qui Nhơn

– Là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Bình Định (1973-1974) và làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo Dục, Sài Gòn (1974-1975)

– Bắt đầu viết văn năm 1971, đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức.

– Đến định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1982.

– Chủ bút tạp chí Văn Học, California, Hoa Kỳ, từ 1986 đến tháng Tám -2004.

– Hiện định cư tại thành phố Westminster thuộc quận Orange, California, cùng với gia đình.

Vừa tạ thế tại tư gia lúc 22 giờ 15 phút ngày 02 tháng 07 năm 2012, thành phố Westminster, Orange County, California.

Hưởng thọ 72 tuổi.

Tang lễ sẽ được tiến hành tại Orange County California

_______


Đăng bởi: cuongdevn | 03.07.2012

Ðóa vô thường…

Tôi còn nhớ lần ngắm sen gần đây nhất là ở chùa Thập Tháp khi đi ngoạn cảnh cùng những người bạn. Bên chùa là ao sen rộng và thơm ngát. Tôi đã reo lên thích thú như vừa gặp lại người bạn cũ…

Hoa sen như một tín hiệu báo mùa. Vào những ngày nắng hạ, sen ở các ao hồ quê tôi đồng loạt nở như một lời bắt nhịp vô hình. Thời gian nhẹ nhàng trôi qua kẽ tóc, khoảnh khắc nhận ra một nỗi nhớ dịu dàng ủ hương thơm len lỏi vào từng cánh hoa… 

Tạo hóa đã sinh ra thế giới theo hướng cái Đẹp và cái Thiện. Mãi mãi chúng ta không thể giải thích được mối liên hệ giữa tiếng sáo mê hồn và gương mặt thô kệch của chàng Trương Chi. Và hoa sen cũng vậy! Không biết hoa đã bầu bạn với con người từ bao giờ, nhưng cứ vào đúng hẹn của đất trời hoa sen lại nở. Và cũng ngần ấy thời gian dưới chân sen cũng đã có bùn. Nhiều người từng biết đến vẻ đẹp rực rỡ thanh cao của sen mà không biết đến cái ngậm ngùi của bùn. Người ta yêu hoa mà quên mất bùn – nguồn gốc sinh thành của cái Đẹp. Chừng ấy năm tháng, sen trắng, sen hồng đủ loại nở hoa qua bao tiền kiếp nhưng bùn nuôi hoa cũng vẫn là bùn của mấy trăm năm xưa. Từ trong im lặng, bùn nhẫn nại nuôi hoa để dâng cho đời vẻ đẹp thánh thiện. Mang đến cho sen sự sống và cái vinh dự cao quý trong hàng ngũ loài hoa. Như một trách nhiệm, không nề hà, không ta thán mà khiêm nhường và bao dung…

Bây giờ những ao sen quê tôi cũng đã rộ mùa hoa. Ông tôi ngày xưa có thói quen ướp trà trong những cánh sen, để sớm mai ông có một tách trà đúng nghĩa. Tuổi thơ tôi cũng theo những cánh sen ấy mà lớn lên… Mỗi khi đi xa, bắt gặp ao sen nhà ai nở hoa rực rỡ, lòng tôi lại xốn xang, cảm giác như nhớ một người bạn cũ.

Những hình ảnh của ao sen bên nhà ngày ấy lại về, miên man là nhớ… Có lẽ vì vậy mà tôi đã yêu vô cùng con đường về nhà của mình, bởi trên con đường ấy tôi phải ngang qua một đầm sen rộng lớn, thơm ngát và rực rỡ những sen trắng, sen hồng. Tôi thấy lòng mình bình yên và trong veo lạ kỳ… Một ngày mùa hạ, tôi đã hái những cánh sen đầu mùa tặng người. Hương sen trong trẻo, quyến luyến, ánh mắt người ánh lên…

Một sáng thức dậy, bạn nghe hương sen ngập tràn trong căn phòng nhỏ, tỏa ngát hương thơm ủ ban mai tinh khiết. Trong nỗi ám ảnh về cái đẹp của cuộc đời. Tôi nghĩ về bùn, về hoa, về những điều vô ảnh. Chợt thấy yêu hơn những gốc sen thấm đẫm mùi bùn. Sen và bùn dạy cho con người không được quên gốc gác sinh thành. Tự thân cái giản dị đã tạo nên vẻ đẹp. Như một giấc mơ về ánh sáng, sống để cho đời một vẻ đẹp vô thường… 

LẠI THỊ NGỌC THƯ (Cao học Văn K14 – Đại học Quy Nhơn)

Đăng bởi: cuongdevn | 03.07.2012

Về Quy Nhơn ăn cua huỳnh đế

Nói đến thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, thơ mộng và yên bình, ai đã từng một lần ghé chân cũng muốn có một dịp nào đó sẽ quay lại, vì Quy Nhơn có khá nhiều điều hấp dẫn du khách. Còn có một điều không thể bỏ qua, đó chính là hoạt động ẩm thực rất đa dạng và phong phú của Quy Nhơn với các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát luôn làm hài lòng du khách.

 

Cua huỳnh đế.

Đến Quy Nhơn, du khách dễ dàng tìm thấy cho mình một nơi thưởng thức các món đặc sản biển, trong đó có món cua huỳnh đế, loại cua chỉ có ở vùng biển từ Quảng Ngãi – Bình Định, được ngư dân vùng này tôn xưng là vua của các loài cua bởi sự độc đáo riêng chỉ có ở loài cua này. Tương truyền, ngày xưa khi vua du ngoạn ở các vùng biển, thấy ngư dân đánh bắt được loài cua lạ, có hình dáng như loài rùa biển, nên ăn thử. Thấy thịt cua thơm ngon, bổ dưỡng, vua truyền rằng khi đánh bắt được loại cua này phải dâng cho hoàng cung. Từ đó loài cua này mang tên cua hoàng đế, gọi trại đi để “kiêng húy” là huỳnh đế.

Cua huỳnh đế có thể chế biến các món như sốt me, rang muối, nướng…, nhưng ngon nhất và đơn giản nhất là món hấp, chấm với muối tiêu ớt xanh, hoặc luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo. Còn gì thú vị hơn khi vừa ngồi thưởng thức món cua huỳnh đế, vừa nghe âm thanh rì rào của sóng biển, hít thở không khí mang vị mặn mòi của biển, ngắm nhìn biển cả mênh mông…

Hầu hết các nhà hàng đặc sản biển ở TP Quy Nhơn đều có món cua huỳnh đế, sẵn sàng chế biến theo yêu cầu của du khách. Đi du lịch Bình Định, hòa mình vào thiên nhiên xinh đẹp, và thưởng thức đặc sản phố biển với món cua huỳnh đế, chắc hẳn du khách sẽ hài lòng.

  • LÊ LÀO
Đăng bởi: cuongdevn | 26.06.2012

MƠ ƯỚC MỘT MÙA XUÂN

Truyện ngắn Trần Minh Nguyệt


-Alô!Chị ba phải không?
-Vâng!Chị đây, tàu em cập cảng rồi à?
– Không phải chị à, tàu chạy gần bờ ở Hải Phòng nên có sóng, em nhớ chị nên gọi nói chuyện một lát.
Im lặng một lát, tiếng nói của Hải lại vang lên:
-À mà chị ơi? chị lại đổi số điện thoại nữa à? Bộ chị trốn nợ ai sao? Làm thằng em này tìm số điện thoại mới của chị muốn chết luôn đó.
Hương cười : “ em lại chọc chị rồi, chị dùng sim này đã được 2 tháng rồi mà, tại em lênh đênh ngoài biển, chị không báo cho em được thôi.” nàng chờ đợi.
– Dạo này chị khỏe không? Ba, mẹ em, cô, dượng vẫn khỏe chứ?
-Mọi người vẫn khỏe- Hương ngập ngừng, mọi chuyện đều tốt đẹp em à. Em về sớm sẽ có điều bất ngờ, và điều này sẽ làm em vui, chị chắc chắn như vậy. Hương mỉm cười với mình.
Im lặng một lát.
Không nghe có tiếng trả lời, Hương bấm máy gọi lại, nhưng điện thoại báo là ngoài vùng phủ sóng rồi. Hương buồn buồn xếp chiếc điện thoại cho vào túi áo lạnh. Hình ảnh Hải bỗng hiện ra trong trí nhớ Hương như một đoạn phim buồn. Dường như mỗi lần được gặp lại Hải, hay trò chuyên thân tình qua điện thoại-Hương cũng cảm thấy rất buồn, chuyện của Hải như  một nỗi ám ảnh không rời !
– Tôi không sống với ông được nữa, ông bất tài vô dụng, không làm gì ra tiền, sống với ông tôi khổ cả đời. Liên hét to
Thanh -chồng Liên, gườm gườm nhìn cô , vẻ mặt tối lại-im lặng.
Vợ chồng Thanh- Liên đã bất hoà từ nhiều năm, cải vả nhau suốt ngày, và Liên cảm thấy không còn gì lưu luyến với người chồng nghèo khó, không có “ tài” này nữa.
Liên vào buồng xếp quần áo của mình và Hải vào va li .Cô quyết định dẫn Hải đi với mình- lúc đó Hải mới 6 tuổi. Liên để thằng Hân -3 tuổi ,ở với Thanh. Hân nhìn mẹ vội vàng thu xếp áo quần, cảm nhận được là mẹ  sẽ bỏ nó ở lại. Hân nhìn vào mặt mẹ đăm đăm nhưng không khóc, Hân cố quanh quẩn bên mẹ và anh , rồi nó chợt mở tủ lấy quần áo của mình bỏ vào va li như Liên đã làm.. Liên lạnh lùng nhặt áo quần của Hân bỏ ra giường. Liên hấp tấp kéo tay Hải đi như chạy ra khỏi nhà. Sau khi nhìn thấy mẹ và anh đã đi qua khỏi cổng ngõ, Hân lăn ào xuống nền nhà khóc sướt mướt, sau đó nó lồm cồm ngồi dậy chạy ra nằm vạ ở ngoài sân chắc là trong cái đầu bé nhỏ thơ ngây ấy nghĩ rằng làm vậy thì mẹ và anh Hải của nó sẽ trở về .

Ba ngày sau, Hải một mình chạy về nhà nói là nhớ em, thăm em, nhưng cũng từ đó, nó ở lại với em nó luôn, không quay về ở cùng mẹ nữa.

Thanh không có nghề nghiệp nào thành thạo khả dĩ có thể kiếm ra tiền nên chỉ sống nhờ vào 2 sào ruộng và tiền bán xoài trong khu vườn mỗi mùa. Nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của mẹ Hương- là chị của Thanh., nên ba cha con anh cũng đắp đổi qua ngày.Mẹ Hương biết em mình chật vật, nghèo thiếu nên mỗi lần đi chợ mua thức ăn cho gia đình, bà cũng bớt lại một ít tiền để mua riêng đồ ăn cho cha con Thanh. Cuộc sống của ba cha con Thanh cứ lặng lẽ vậy,chỉ có Hải hồn nhiên cười nói vài câu, còn Thanh và Hân suốt ngày hình như câm lặng . Trưa,-chiều ,Thanh lo nấu cơm, kho nấu chút thức ăn để sẳn ở gian bếp. Ai muốn ăn giờ nào, bao nhiêu cũng được. Ai muốn làm gì thì làm. Đời sống như ngưng lại trong căn nhà lạnh lẽo của ba cha con Thanh.
Sau giờ học ở trường , Hải còn đi loanh quanh trong xóm để chơi với những đứa trẻ khác,còn Hân thì không. Hân cứ lủi thủi một mình ở hiên nhà, hay trong một góc tối. Nó theo chơi với con mèo tam thể nhỏ như với ngưòi bạn thiết không rời. Hải rất thông minh-là một học sinh xuất sắc của lớp Năm nhưng càng về sau, sức học của nó ngày càng yếu dần, yếu dần,và đến năm học lớp 7 thì Hải không còn theo kịp chương trình, theo kịp bạn bè nữa. Suốt ngày nó đi rong chơi lêu lõng hết nơi này đến chốn nọ  nhiều lần tới khuya mới lần mò về tới nhà ngủ vùi đến sáng hôm sau .Hôm nào ngủ dậy muộn thì Hải bỏ học luôn. Cuối năm lớp 8 Hải bị thi lại 3 môn: Toán, Anh Văn, Sử.. Hải không muốn thi lại ,chán ngán chuyện học hành vì vậy suốt hai tháng hè không học ôn được chữ nào cả.!
Mẹ của Hương – Cô ruột của Hải, không nỡ nhìn thấy đứa cháu đích tôn của dòng họ Lê không tốt nghiệp được cấp 2. Bà ngày đêm năn nỉ khuyên lơn giải thích cho Hải thi lại, và ” mưa dầm, thấm lâu” Hải vì thương cô mình nên miễn cưỡng hứa hẹn sẽ tiếp tục chuyện học tập nhưng được đến đâu hay đến đó ! Và sau này, Hải hầu như chỉ học để lấy lớp, học cho vui lòng người cô nặng tình với nó mà thôi.

Hải vừa đủ điểm đậu tốt nghiệp, 20 điểm không thừa, không thiếu một điểm nào. Nhưng đó cũng không phải là kiến thức của chính Hải, mà là kết quả của sự lanh lảu, quay cóp trong khi thi của Hải mà thôi!
Ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 10 rồi mà Hải vẫn không làm hồ sơ, Mẹ Hương phải tự đi mua hồ sơ, rút học bạ,giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời nộp vào trường THPT bán công Trần Hưng Đạo, có lẽ đó là hồ sơ cuối cùng của Trường.vì đã là buổi chiều của ngày mãn hạn.
Sáng nào cũng vậy, mẹ Huơng cũng thức dậy sớm năn nỉ, ỉ ôi với Hải cầm vở đến trường.Và sau đó, hầu như tuần nào cũng vậy, mẹ Hương cũng bị Giáo viên chủ nhiệm mời đến trường vì những trò quậy phá của Hải.
Giữa năm lớp 10 xảy ra một chuyện bất ngờ đã làm thay đổi dần cuộc đời của Hải: Đó là một cuộc đấu khẩu giữa Hải và An- lớp trưởng lớp .
An nhìn Hải nghiêm khắc:” Hải ! bạn thường xuyên không thuộc bài, lại hay nói chuyện, quậy phá làm ảnh hưởng tới lớp. Tuần nào lớp mình cũng bị phạt lao động.”
Hải trừng mắt: “Tao làm gì mặc tao, mầy có quyền gì mà xen vào,một lần nữa là tao đập vỡ mặt ra đó nghe chưa?”
An nóng bừng mặt – giọng run run nói: “Mầy biết con bò không? nó mạnh hơn con người gấp nhiều lần mà con người vẫn dùng cái trí của mình để chế ngự,làm chủ được nó, Tao nghĩ mầy cũng vậy, tất cả những gì mầy có chỉ là sức mạnh mà trời ban sẵn cho mầy mà thôi, ngoài ra mày chẳng có chút lý trí nào! “
Hải tím mặt vì giận- nhìn An trừng trừng. Nó cảm thấy xấu hổ, lòng tự ái của nó bị tổn thương.Hải muốn khóc mà không khóc được. Nó nén nỗi giận, và nước mắt hình như đã chảy ngược vào lòng.

Sau hôm gây sự với An bị tổn thương khó quên, lại bị đám bạn bu quanh cười chế giễu, Hải miệt mài học không kể ngày đêm. Nó mày mò tự học lại những kiến thức bị trống, bị hổng từ năm lớp 6 trở lên. Với lòng kiên nhẫn, chăm chỉ cùng sự thông minh vốn có của mình, cuối năm lớp 10 Hải đã đuổi kịp bạn cùng lớp, và hai năm 11, 12 Hải đã trở thành một trong những học sinh giỏi nhất của trường.
Hải thi đậu tốt nghiệp loại khá và đậu luôn trường Đại Học Hàng Hải khoa sửa chữa và bảo hành máy tàu thủy. Ai cũng vui mừng cho Hải từ nay tương lai đã mở rộng, nhưng riêng Hải thì luôn ưu tư, trầm mặc và ít nói cười hơn. Hương biết được Hải đang lo không biết lấy tiền đâu để đóng học phí,tiền đâu để ăn học ở nơi xa lạ. Hải có lần tâm sự với Hương rằng mẹ cậu nói nên bỏ trường Đại học Hàng Hải đi, ôn thi lại vào trường Sư phạm cho được gần nhà ,khỏi tốn tiền học phí, tiền ăn, ở. Như vậy mới có thể tiếp tục con đường học tập được…
Mẹ Hương chỉ còn một phương cách là kêu gọi sự đóng góp tiền của anh em Hương và khuyến khích Hải nhập trường, vì biết chuyện thi lại năm sau là không có gì bảo đảm . Tiền học phí, tiền ăn, tiền ở rất nhiều mà tiền nhà gởi vào cho không đủ. Hải xin làm thêm tiếp viên nhà hàng để khỏi tốn tiền ăn buổi tối (Hải ăn thức ăn còn thừa của khách,) mà còn tiền kiếm được Hải có thể chi trả cho tiền phòng, tiền học của mình.
Năm năm đã trôi qua cuộc đời Hải như một giấc mơ, cuối cùng Hải cũng đã tốt nghiệp đại học. Hải xin làm cho công ty vận tải tàu biển Hải Đăng- vận chuyến hàng hoá trong và ngoài nước. Vừa làm, vừa học thêm- bây giờ Hải đã là máy ba của tàu. Lương 1 tháng được hơn 14 triệu. Hải không còn phải bạn tâm về chuyện tiền bạc nữa nên có vẻ hoạt bát hẳn lên- lúc nào cũng sẵn có một nụ cười. Nhưng chỉ riêng Hương mới hiểu được nỗi lòng Hải- trong sâu thẳm của lòng Hải có một đám mây mù vô hình đang che mờ cuộc sống anh. Có lần Hải nói như bông đùa nói với Hương : ” Chị Huơng à, “Cha, mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con” mà lá chắn của em và Hân rách nát tơi bời như thế, thì che chở làm sao được đây hả chị? Em và Hân lớn lên sống theo kiểu ” tự sinh, tự diệt” thật bất hạnh- nghĩ mà buồn.!”

Thằng Hân- em Hải, trông yếu đuối- lơ ngơ ,suốt ngày câm lặng, không nói, không cười. Từ thuở nhỏ ,nó chỉ biết lặng lẽ chơi với những con vật nho nhỏ như gà con, vịt con. mà thôi. nên càng lớn lên càng ngơ ngác với mọi người chung quanh. Không ai hiểu được nó nghĩ gì trong đầu.Những uẩn ức không hề một lần được bày tỏ mà giấu kỹ trong sâu thẳm của đáy lòng, nên chiều chiều Hân thường mang sáo ra ngõ ngồi thổi một mình! Nó thổi sáo hằng giờ, hằng đêm- những bản nhạc không tên gọi ngấu hứng mà khiến người nghe buồn đến não lòng.!
Nó lặng lẽ học. Lặng lẽ vào thi trường cao đẳng chế tạo máy ở Thủ Đức. . Mọi chi phí ăn học, phòng trọ riêng, Hải đã lo cho em mình thật chu đáo. Anh đã gởi cho Hân rất nhiều tiền với hy vọng Hân ngày càng vui lên để mà tiếp tục sống nhưng bệnh trầm cảm của Hân dường như không thuyên giảm. Ngoài những giờ phải tiếp xúc với với bạn bè, thầy cô. Hân vẫn co rút sống một cõi riêng của đời mình.

Hân tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu,được học liên kết lên đại học nhưng Hân không học tiếp, cũng không xin việc làm mà quay trở về quê .Ngày ngày chìm đắm trong cô đơn, gởi nỗi lòng hằng đêm theo tiếng sáo bay xa…
Thanh và Liên vẫn sống li thân,nhưng không ai lập gia đình khác cả !.Hải cảm thấy vừa thương, vừa giận cha mẹ mình. Bóng dáng Hân lầm lũi lặng lẽ luôn sống trong mộng mị. cô đơn đã làm Hải dằn văt. đau xót không nguôi. Nhiều lần-Hải tự nghĩ- “ cái nút ai thắt thì chỉ có người đó mới mở được mà thôi.”
Đợt nghĩ phép vừa rồi Hải đã hết lòng thuyết phục ba, mẹ anh về sống chung một nhà, Hải tâm sự với Hương : “Em ao ước có một mái gia đình đã bao nhiêu năm rồi, chị à! Có được sự đầm ấm sum họp như vậy – mới có thể đem lại sự bình thưòng vui sống cho Hân mà thôi”….

Hương rất muốn gọi điện báo tin vui cho Hải biết rằng Hân đã dần dần trở lại sinh hoạt bình thường, đã nói, cười vui vẻ với ba mẹ Hải và mọi người rồi. Hân còn cho biết đến tháng 9 nó sẽ vào Sài Gòn học tiếp Đại học. Nhưng Hương không kịp báo tin vui thì tàu của Hải đã chạy ra khơi ngoài vùng phủ sóng rồi. Hương cầm chiêc điên thoại nơi tay tần ngần nhìn cây Mai trước sân nhà Hải đang lát đát trổ hoa vàng, Hương bỗng cảm thấy lòng mình cũng sắp vào xuân cùng với niềm Hạnh Phúc đang trở về với gia đình Hải sau bao mùa xuân đắm chìm trong tuỵệt vọng. Mùa Xuân ước vọng của Hải và Hân đang trổ hoa vàng như cây Mai khoe sắc nơi sân nhà sau bao năm tháng dài tàn héo…

« Newer Posts - Older Posts »

Chuyên mục